Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là căn bệnh phổ biến ở nước ta, đặc biệt là những người thường xuyên ngồi làm việc trong văn phòng. Bệnh gây nên các cơn đau vùng gáy, vai, cổ. Người bệnh còn có thể mất cảm giác hoặc tê bì cổ tay, bàn tay,… Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
Thoát vị đĩa đệm cổ là gì?
Thoát vị đĩa đệm cổ hay trượt đĩa đệm là tình trạng khối nhân nhầy của đĩa đệm cột sống cổ lệch ra khỏi vị trí ban đầu do bao xơ bị trồi lệch hoặc rách. Nếu khối thoát vị gây chèn ép các dây thần kinh thì bệnh nhân không chỉ đau đớn mà quá trình vận động các chi và cổ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cột sống sổ là nơi đảm nhiệm chức năng vận động đầu và chịu lực tác động của toàn bộ đầu. Do vậy đĩa đệm cổ rất dễ gặp thương tổn và bị thoát vị nếu vận động quá nhiều hoặc lười vận động làm cho xương khớp thoái hoá dần. Thoát vị đĩa đệm ở cổ thường gây ra các cơn đau tại vùng gáy và cổ. Các đốt sống dễ bị tổn thương nhất là C5-C6, C6-C7 và tiếp theo là C4-C5.
Các chuyên gia cho biết, những nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn những người khác:
- Người đang trong tình trạng đĩa đệm bị thoái hoá.
- Người bị chấn thương ảnh hưởng trực tiếp tới các đốt sống cổ.
- Người thường xuyên ngồi lâu trong một tư thế (nhân viên văn phòng,…).
- Người thường xuyên lao động nặng (khuân vác, thợ xây,…).
- Có người trong gia đình mắc bệnh về xương khớp.
- Người ít vận động, chế độ ăn không khoa học.
- Người thường xuyên sử dụng thuốc lá.
- Người có dị tật cột sống bẩm sinh.
- Người mắc chứng rối loạn mô liên kết.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được cụ thể các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Tuy nhiên, các yếu tố chủ quan, khách quan thúc đẩy quá trình phát triển bệnh gồm:
- Tuổi: Nguy cơ gặp phải thoát vị đĩa đệm cổ càng lớn khi tuổi tác càng cao. Ở độ tuổi 40-50, hệ xương khớp bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của sự thoái hoá, đây là lý do chính dẫn đến căn bệnh này.
- Di truyền: Một số kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các bệnh nhân bị bệnh về xương khớp cùng có mang gen gây bệnh do đó, nếu có người trong gia đình mắc bệnh lý này thì thế hệ sau cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Tai nạn, chấn thương: Các chấn thương, va đập do tai nạn làm cột sống phải chịu áp lực mạnh, khiến một vài đốt sống bị sai lệch, khối nhân nhầy bị thoát ra ngoài chèn lên các dây thần kinh.
- Thói quen sinh hoạt, lao động: Các tư thế lao động, sinh hoạt sai tạo nên các hình thái bất thường của cột sống. Bệnh phổ biến hơn ở những người làm việc với máy tính, thường xuyên khom lưng, cúi người khi học tập, làm việc, ngồi vẹo người sang một bên,…
Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Bệnh lý này đặc trưng bởi các cơn đau, nhức mỏi vùng bả vai, gáy. Nhưng đây cũng là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý liên quan đến xương khớp khiến người bệnh khó phân biệt được rõ ràng. Nếu phát hiện bản thân đang có những dấu hiệu sau, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh:
Đau, nhức mỏi diện rộng
Thời gian đầu, bệnh nhân có triệu chứng tê bì và đau mỏi vùng vai, cổ, gáy. Những cơn đau bắt đầu xuất hiện ở một hay nhiều đốt sống cổ sau đó lan xuống cánh tay, bả vai hoặc lên hốc mắt và sau đầu.
Tê ngứa chân tay
Dấu hiệu tê mỏi thường lan ra xuống cánh tay và khắp cả bả vai. Lúc này, khối nhân nhầy đè lên tủy sống, làm khởi phát tình trạng tê ngứa từ cổ rồi lan tới tay chân và toàn cơ thể.
Cứng cổ
Bệnh nhân có thể bị đau nhức, cứng cổ và khó khăn khi xoay cổ. Những dấu hiệu này thường xuất hiện vào sáng sớm khi bệnh nhân mới ngủ dậy.
Khó khăn khi vận động
Người bệnh sẽ bị hạn chế vận động cánh tay, cổ, khó khăn khi thực hiện động tác xoay cổ, cúi, ngửa cổ. Nặng nề hơn, bệnh nhân có thể không thực hiện được động tác đưa 2 tay lên cao hoặc ra sau lưng.
Yếu cơ
Gặp phải nếu khối nhân nhầy đè ép lên tủy sống. Ban đầu, bệnh nhân có biểu hiện yếu cơ tay, rồi đến cơ chân làm việc di chuyển trở nên khó khăn, dáng đi bất thường, xiêu vẹo. Nặng hơn, người bệnh có thể gặp hiện tượng các cơ vùng bắp chân và đùi rung lên khi vận động mạnh.
Các dấu hiệu khác
Đau lưng, tức ngực, đau ngực một bên, tiểu khó, táo bón,… người bệnh cần thận trọng bởi đây là các biến chứng mức độ nhẹ.
Bài tập yoga chữa thoát vị đĩa đệm cổ
Yoga từ lâu đã là phương pháp điều trị đối với rất nhiều bệnh lý khác nhau. Các bài tập yoga không chỉ giúp tăng sức khỏe thể chất mà còn giúp bệnh nhân lấy lại tinh thần sảng khoái, cân bằng. Sau đây là một số bài tập yoga chữa thoát vị đĩa đệm cổ các bạn có thể tham khảo:
Tư thế rắn hổ mang
Tư thế này giúp giãn cơ bụng, cánh tay, vai và tăng cường sức khỏe. Tập luyện thường xuyên người bệnh sẽ cảm thấy các dấu hiệu đau nhức cổ, vai được cải thiện rõ rệt.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp trên sàn, chân khép, duỗi thẳng, tay đặt xuôi theo cơ thể.
- Đưa tay về phía trước vai một cách từ từ, lòng bàn tay hướng xuống sàn.
- Hít sâu và dùng tay đẩy, nâng nửa người trên lên khỏi mặt sàn.
- Thở ra nhẹ nhàng, mở vai, cổ ngửa ra phía sau.
- Giữ tư thế này từ 15 đến 30 giây sau đó trở về tư thế ban đầu.
Động tác kéo giãn cơ cổ
Động tác kéo giãn này sẽ giảm áp lực tác động lên đốt sống đang thoái vị và ngăn ngừa hiện tượng cứng cơ.
Cách thực hiện:
- Ngồi xếp chân bằng, tay phải duỗi thẳng, hướng lòng bàn tay xuống sàn và không chạm mặt sàn, đặt tay trái lên phía bên phải đầu.
- Dùng lực kéo từ từ đầu về hướng vai trái nhằm kéo giãn cổ, để thẳng vai, không nghiêng vai theo đầu.
- Hít sâu, thở đều, giữ nguyên tư thế từ 10 đến 15 giây sau đó trở về tư thế ban đầu. Làm tương tự và kéo đầu về bên phải.
Tư thế con cá
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa, 2 chân khép và duỗi thẳng, 2 tay để dọc theo cơ thể. Nhẹ nhàng hít thở.
- Đưa 2 tay để thấp hơn mông, dùng tay chống và nâng từ từ ngực lên, vẫn giữ đỉnh đầu chạm sàn sao cho phần thân mình được nâng tạo thành một vòng cung.
- Giữ nguyên từ 45 đến 60 giây, hít sâu, thở đều rồi đưa cơ thể về tư thế đầu.
Mong rằng các thông tin trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong việc phát hiện và cải thiện tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết và chúc bạn thật nhiều sức khoẻ.
Cập nhật mới nhất vào ngày 25 Tháng Chín, 2020 bởi admin
Bác sĩ Hồng Yến tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hồng Yến sinh ngày 18/6/1969 tại Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội (Lớp P35 E3) năm 1993, nguyên là Giảng viên chính, bác sĩ YHCT tại Học viện Y dược học cổ truyền.
Bác sĩ Hồng Yến chia sẻ nhiều video hữu ích, bạn đọc quan tâm có thể xem tại Youtube Bác sĩ Hồng Yến.
Liên hệ ngay với bác sĩ: 02462 9779 23