Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một căn bệnh do sự rối loạn hệ miễn dịch, thường gặp ở trẻ trong độ tuổi 13 tới 16. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể kéo theo những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến chức năng vận động của trẻ.
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có nguy hiểm không?
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ nhỏ có thể khởi phát và tiến triển tại một hay nhiều khớp. Đặc biệt, khớp ngón tay, cổ tay, ngón chân, cổ chân, khớp gối là các vị trí rất dễ mắc bệnh. Khác với viêm khớp dạng thấp xảy ra ở người trưởng thành, bệnh lý trên có thể khởi phát đột ngột và khỏi hẳn sau chăm sóc vài tháng, một vài trường hợp có thể mắc bệnh dài ngày và chuyển thành mãn tính.
Với các trường hợp trẻ nhỏ mắc viêm khớp dạng thấp mãn tính, biểu hiện bệnh sẽ xuất hiện liên tục trong 6 tuần tới 3 tháng và có thể lâu hơn. Nó không những gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển hệ xương khớp của trẻ mà còn khiến khả năng vận động và đi lại của trẻ bị hạn chế. Nhất là những trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách.
Bệnh khởi phát khi hệ miễn dịch có vấn đề dẫn tới rối loạn và không phân biệt được dị nguyên với các tế bào, mô khoẻ mạnh của cơ thể. Lúc này hoạt động của hệ miễn dịch mạnh hơn, tấn công chính các mô cơ quan của cơ thể gây nên hiện tượng viêm nhiễm, sưng tấy tại các đầu xương, khớp.
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây ra vấn đề khiến hệ miễn dịch rối loạn. Tuy nhiên những vấn đề như: béo phì, thừa cân; chấn thương khớp, xương; di truyền; nhiễm vi khuẩn, virus; bệnh lao,… là các yếu tố nguy cơ khiến hệ miễn dịch rối loạn cũng như thúc đẩy sự hình thành và phát triển bệnh ở trẻ nhỏ.
Đây là một trong những căn bệnh khá nguy hiểm đối với trẻ, đặc là khi không được phát hiện, chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách có thể kéo theo nhiều biến chứng phức tạp, nguy hiểm như:
- Viêm nhiễm tại ống mắt
- Mờ mắt
- Viêm tại màng bồ đào
- Nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh sáng
- Khả năng vận động và di chuyển bị hạn chế
- Các cơn đau gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ, làm cơ thể trẻ bị suy nhược
- Nhiều cơ quan như lá lách, gan, tim cũng bị tác động nếu bệnh nhân mắc bệnh khởi phát ở toàn thân.
Cách điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Đối với căn bệnh này, các phương pháp điều trị thường chỉ có tác dụng giảm viêm, tiêu sưng, giảm đau và ngăn ngừa tình trạng khớp bị thương tổn vĩnh viễn chứ thường không chữa được tận gốc. Bên cạnh đó, các phương pháp chữa trị sẽ giúp giảm thiểu các ảnh hưởng xấu của bệnh đến sự phát triển của hệ xương khớp cũng như khả năng di chuyển của trẻ.
Tuỳ vào kết quả thăm khám và chẩn đoán, các bác sỹ có thể chỉ định các biện pháp sau để giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng bệnh:
Điều trị bằng thuốc
Để trị bệnh cũng như kiểm soát những triệu chứng do bệnh gây ra, các bác sỹ sẽ kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc sau:
- NSAID – thuốc kháng viêm không steroid
Naproxen (Aleve), Ibuprofen (Advil và Motrin) và những loại thuốc kháng viêm không steroid thường được sử dụng nhiều trong điều trị căn bệnh này ở trẻ nhỏ. Công dụng chính của thuốc là giảm sưng, giảm viêm và giảm thiểu các cơn đau nhức.
Cần lưu ý rằng, Aspirin không được khuyên dùng cho trẻ nhỏ vì thành phần thuốc có thể khiến dạ dày bị kích ứng và gây ra nhiều tác dụng không mong muốn đối với cơ thể trẻ. Nghiêm trọng hơn, khi dùng Aspirin cho trẻ, nguy cơ trẻ bị hội chứng Reye sẽ tăng cao, gây nguy hiểm tới tính mạng.
- DMARDs – thuốc ngừa thấp khớp
Sulfasalazine và Methotrexate là những loại thuốc hay được dùng nhất. Nhóm thuốc này thường được chỉ định nhằm làm chậm tốc độ phát triển của bệnh. Quá trình trị bệnh bằng thuốc này cần thời gian dài vì thuốc tác dụng khá chậm. Do đó, người bệnh thường được kê đồng thời cả thuốc ngừa thấp khớp và thuốc kháng viêm không steroid.
- Corticosteroid
Loại thuốc này được cân nhắc, chỉ định đối với trường hợp bệnh đã ở giai đoạn nghiêm trọng, tiến triển phức tạp và khả năng dẫn đến biến chứng nặng nề cao. Tuỳ vào từng ca bệnh cụ thể, thuốc có thể được đưa vào cơ thể bằng đường tiêm hoặc uống. Loại thuốc trên giúp giảm đau, giảm sưng viêm và tránh hiện tượng xơ cứng tại khớp.
- Thuốc sinh học
Loại thuốc này có thể can thiệp đến phản ứng viêm và giúp làm giảm cơn đau, giảm sưng, viêm. Một số thuốc thường dùng là etanercept, anakinra, adalimumab, abatacept,…
Phẫu thuật
Đối với các ca bệnh mà khớp bị thương tổn nghiêm trọng, nguy hiểm và nguy cơ dẫn đến biến chứng cao, làm hạn chế khả năng vận động, các bác sỹ sẽ cân nhắc và chỉ định phẫu thuật để sửa lại khớp bị hỏng. Biện pháp này có thể giảm đau, khôi phục và cải thiện khả năng vận động khớp. Những phương pháp sau đây thường được áp dụng:
- Mổ nội soi
- Phẫu thuật điều chỉnh trục
- Phẫu thuật chỉnh lý, sửa lại gân bị lỏng hoặc vỡ
- Phẫu thuật loại bỏ khớp bị hư hại và thay thế bằng khớp kim loại hoặc nhựa.
Vật lý trị liệu
Song song với việc áp dụng các biện pháp trị liệu khác, các bác sỹ sẽ cho trẻ thực hiện thêm các phương pháp trị liệu vật lý nhằm tăng hiệu quả điều trị, giảm thời gian trị bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Những biện pháp được sử dụng phổ biến gồm bấm huyệt, xoa bóp, chườm lạnh, chườm nóng, tăng cường luyện tập thể dục thể thao.
Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, khoa học cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em rất dễ dẫn đến các biến chứng phức tạp, đặc biệt là khi phát hiện và chăm sóc, chữa trị không kịp thời. Do đó, các bậc cha mẹ cần chú ý, đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị ngay khi phát hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào của xương khớp và cơ thể.
Cập nhật mới nhất vào ngày 25 Tháng Tám, 2020 bởi admin

Bác sĩ Hồng Yến tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hồng Yến sinh ngày 18/6/1969 tại Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội (Lớp P35 E3) năm 1993, nguyên là Giảng viên chính, bác sĩ YHCT tại Học viện Y dược học cổ truyền.
Bác sĩ Hồng Yến chia sẻ nhiều video hữu ích, bạn đọc quan tâm có thể xem tại Youtube Bác sĩ Hồng Yến.
Liên hệ ngay với bác sĩ: 02462 9779 23