Viêm khớp dạng thấp là gì? Triệu chứng, có chữa khỏi không?

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh mạn tính liên quan đến xương khớp khá phổ biến ở nước ta. Căn bệnh này gây ảnh hưởng lớn cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết sau đây.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp còn có tên gọi khác là viêm đa khớp dạng thấp, nguyên nhân là tình trạng rối loạn của hệ miễn dịch, xuất hiện khi các mô trong cơ thể bị tấn công nhầm bởi hệ miễn dịch. Bệnh lý có thể gây sưng, đau, nóng đỏ, xơ cứng khớp, đa phần là khớp gối, khớp bàn chân, khớp lưng và khớp tay. Bệnh lý này không chỉ gây thương tổn và phá hủy hệ khớp mà còn gây ảnh hưởng đến cả hệ tim mạch, phổi, mắt, da.

Khác với các bệnh lý về xương khớp khác, viêm khớp dạng thấp gây tổn thương đến cả niêm mạc tại khớp, gây hiện tượng sưng đau và có thể làm mòn xương, biến dạng các khớp. Người bệnh sẽ gặp khó khăn ngay cả khi thực hiện các động tác đơn giản như mở chai lọ, viết, mang vác đồ vật và mặc quần áo. Viêm khớp xảy ra tại mắt cá, đầu gối hoặc bàn chân sẽ khiến bệnh nhân hạn chế đi lại và khó cúi người.

Căn bệnh này thường gặp ở những người 20-40 tuổi. Theo thống kê, tỉ lệ người trưởng thành mắc căn bệnh này là khoảng 5%. Trong đó, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh, nhất là phụ nữ mang thai, lớn gấp 2 đến 3 lần tỉ lệ bệnh nhân nam. Bệnh tiến triển phức tạp, gây ra hậu quả nghiêm trọng nên việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.

viêm khớp dạng thấp

Bệnh lý này rất dễ bị hiểu nhầm là bệnh do viêm tại khớp khác như viêm khớp thường, gout,… Các bệnh viêm khớp khác đa phần chỉ xuất hiện đau và sưng ở một bên còn căn bệnh này thường biểu hiện viêm, đau hai bên đối xứng như sưng đau hai khớp khuỷu tay, đầu gối, khớp hai bên háng,… Đau khớp đối xứng là một trong các dấu hiệu để bệnh nhân nghi ngờ, nhận biết bản thân đang mắc viêm khớp dạng thấp.

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Bệnh lý này xuất hiện do lớp màng synovium bao quanh khớp bị tấn công bởi hệ miễn dịch, gây viêm và làm dày màng synovium, kết quả dẫn đến xương và sụn khớp bị phá hủy. Bên cạnh đó, các dây chằng và gân đảm nhiệm chức năng liên kết các khớp cũng sẽ bị suy yếu và giãn dần ra làm khớp bị biến dạng và không còn liên kết với nhau.

Các nhà khoa học hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng rối loạn của hệ miễn dịch gây viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, di truyền được cho là yếu tố có liên quan do có những gen tuy không gây nên bệnh một cách trực tiếp nhưng sẽ khiến cơ thể dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các yếu tố có hại từ môi trường như vi khuẩn, virus gây bệnh và bệnh có thể khởi phát từ đó.

Ngoài ra, các yếu tố về lối sống sinh hoạt, tâm lý, kinh tế xã hội cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp, chẳng hạn thói quen uống cà phê, hút thuốc lá, tiếp xúc silicon,…

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Các dấu hiệu của bệnh sẽ khác nhau tùy vào từng giai đoạn bệnh, cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Màng trên của khớp bị viêm dẫn đến tình trạng sưng và đau tại khớp. Do có hiện tượng viêm nên những tế bào miễn dịch sẽ di chuyển đến đây làm tăng cao số lượng các tế bào trong dịch khớp.
  • Giai đoạn 2: Bệnh ở mức độ vừa phải, ổ viêm trong mô bắt đầu tăng lên và lan truyền đến vị trí khác. Các mô xương hình thành và phát triển, lấn chiếm không gian trên sụn và khoang khớp, lâu dần sẽ huỷ hoại sụn khớp. Khi sụn khớp mất đi, khớp dần bị thu hẹp lại. Biến dạng khớp thường không xuất hiện ở giai đoạn này.
  • Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này, bệnh đã tiến triển nặng. Xương dưới sụn tại những khớp bị hư tổn bắt đầu bị lộ ra do mất đi lớp sụn. Biểu hiện thường thấy là sưng tấy, đau nhức, cứng khớp (thường vào buổi sáng), hạn chế vận động, teo cơ, suy nhược cơ thể, xuất hiện những nốt sẩn dị dạng.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối của viêm khớp dạng thấp. Khi bệnh đến giai đoạn này, tình trạng viêm thường giảm đi, cùng với đó xương kết hợp (xương chùng) và mô xơ hình thành khiến cho khớp mất đi các chức năng vốn có.

Các dấu hiệu phổ biến của bệnh lý này đa phần là xơ cứng khớp và đau nhức tại khớp, trầm trọng nhất là thời điểm bệnh nhân thức dậy buổi sáng hoặc sau một thời gian bệnh nhân ngồi yên trong một tư thế. Xơ cứng khớp sẽ thuyên giảm sau khi bệnh nhân vận động. Dấu hiệu này thường khởi phát đột ngột và mất đi nhanh chóng.

bệnh viêm khớp dạng thấp

Một số dấu hiệu khác bệnh nhân cũng có thể gặp phải đó là nổi nhọt ở chân, nốt sần da, mệt mỏi, ngứa mắt, bỏng mắt, nhịp thở ngắn, tê và ngứa ran, chán ăn, sốt cao và yếu. Khớp bị viêm có thể sưng tấy, đỏ, nóng, mềm, biến dạng.

Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không? 8 biến chứng nguy hiểm

Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách thì sẽ làm tuổi thọ bệnh nhân giảm đi và kéo theo nhiều biến chứng nặng nề.

Theo thống kê, có tới 90% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bị cứng khớp, trong đó số trường hợp giảm khả năng vận động chiếm 44% và số bệnh nhân mất hoàn toàn chức năng vận động sau khi mắc bệnh 5 năm chiếm 16%. Sau khi mắc bệnh 10 năm, có từ 10 đến 15% bệnh nhân không thể tự đi lại, sinh hoạt, tàn phế.

Các biến chứng thường thấy do căn bệnh này gây ra gồm:

  • Bệnh về mắt: Bệnh lý này khiến nguy cơ bị khô mắt của bệnh nhân tăng cao, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến mù loà.
  • Biến chứng về phổi: Bệnh nhân mắc bệnh lý này có nguy cơ cao bị sẹo phổi, gồm tăng huyết áp tại phổi, tắc đường dẫn khí trong phổi, viêm niêm mạc phổi.
  • Thương tổn thần kinh: Ở người mắc căn bệnh này, vấn đề về khả năng thăng bằng hoặc dấu hiệu đau cổ có thể là triệu chứng cảnh báo các thương tổn thần kinh.
  • Các bệnh về tim mạch: Nguy cơ bị các bệnh liên quan đến tim mạch ở người có bệnh lý trên so với người thường cao hơn đến 50% .
  • Viêm mạch máu: Mạch máu của bệnh nhân có thể giảm kích thước, thu hẹp lại, yếu đi, cản trở quá trình lưu thông máu.
  • Làm xuất hiện hồng ban, đốm nâu, vết phồng rộp, lở loét hoặc các khối cứng trên da,… đặc biệt là vị trí dưới móng, ngón tay, khuỷu tay.
  • Nguy cơ nhiễm trùng của những người đang mắc bệnh lý này tăng lên do cơ thể bị suy giảm sức đề kháng.
  • Bệnh cũng có thể dẫn đến loãng xương, hẹp khe khớp, biến dạng khớp, dính khớp và có thể làm giảm vận động, gây tàn phế vĩnh viễn.

Như vậy, có thể thấy viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không phụ thuộc vào mức độ và biện pháp điều trị bệnh. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách thì không nguy hiểm. Ngược lại, bệnh tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây tàn phế cả đời.

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không?

Đây là căn bệnh tự miễn, xảy ra khi dịch trong ổ khớp bị phá hủy bởi chính các kháng thể do cơ thể sản sinh ra. Đồng thời là bệnh lý mạn tính về khớp với các triệu chứng ngoài khớp, tại khớp và toàn cơ thể ở các mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau, tiến triển phức tạp do đó bệnh lý này hiện nay chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn được. Bệnh nhân cần trong tâm thế phải sống chung với bệnh.

Nhưng nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và có phương án điều trị phù hợp thì sẽ không gặp phải các thương tổn nghiêm trọng, không bị tàn phế, ngăn ngừa được những biến chứng nặng nề ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả

Hiện nay, viêm khớp dạng thấp là căn bệnh mạn tính chưa có biện pháp chữa trị khỏi hoàn toàn. Các liệu pháp chữa trị có tác dụng cải thiện biểu hiện bệnh, giúp bệnh nhân duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho biết, việc điều trị các triệu chứng bệnh có hiệu quả khi được tiến hành sớm với thuốc chống thấp khớp (DMARDs).

điều trị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp uống thuốc gì?

Các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ trầm trọng của bệnh và thời gian mắc bệnh của bệnh nhân để đưa ra chỉ định thích hợp. Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị Bệnh lý này là:

  • Thuốc chống viêm không steroid: Loại thuốc này có tác dụng giảm viêm và giảm đau. Chỉ định không bao gồm naproxen natri và ibuprofen. Thuốc loại này có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như tăng nguy cơ và kéo dài thời gian xuất huyết, tổn thương thận, gây ra các vấn đề về tim, kích ứng dạ dày.
  • Steroid: Những thuốc thuộc loại Corticosteroid như prednison, giúp làm chậm tốc độ thương tổn khớp, giảm đau và giảm viêm. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng cân, tiểu đường, loãng xương. Thuốc loại Corticosteroid thường được chỉ định nhằm giảm nhẹ những triệu chứng cấp tính.
  • Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh: Nhóm thuốc này có tác dụng làm chậm tốc độ tiến triển bệnh, ngăn ngừa tình trạng hư tổn vĩnh viễn của các mô và các khớp. Các thuốc thuộc nhóm này bao gồm  leflunomide (Arava), sulfasalazine (Azulfidine), methotrexate (Otrexup, Trexall,…) và hydroxychloroquine (Plaquenil). Tác dụng không mong muốn sẽ khác nhau tuỳ vào từng thuốc nhưng thường bao gồm ức chế tủy xương, tổn thương gan, nhiễm trùng phổi.
  • Thuốc sinh học: Thuốc ức chế tế bào T, thuốc ức chế tế bào B, anti-IL6, anti TNF. Đáp ứng thuốc sẽ khác nhau tùy vào từng bệnh nhân. Các thuốc sinh học mang lại hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân không có đáp ứng khi dùng các loại thuốc khác, đã thành công với các trường hợp khó, cải thiện đáng kể tình trạng bệnh của người mắc viêm khớp dạng thấp.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được xem xét đối với các trường hợp thuốc điều trị không có tác dụng làm chậm hoặc ngăn ngừa thương tổn khớp, nhằm sửa chữa những khớp hư hại. Phẫu thuật giúp bệnh nhân cải thiện chức năng, giảm đau và phục hồi khả năng vận động động khớp.

Phẫu thuật điều trị căn bệnh này gồm:

  • Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này nhằm loại bỏ đi phần lót khớp (synovium) bị viêm, có thể tiến hành trên ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối và khớp hông.
  • Phẫu thuật chỉnh trục: Biện pháp này có thể được chỉ định để chỉnh sửa khớp hoặc ổn định khớp và giảm đau trong trường hợp thay thế toàn bộ khớp không phải lựa chọn tốt.
  • Sửa chữa gân: Các gân quanh khớp có thể bị vỡ hoặc lỏng do tổn thương khớp và viêm khớp. Các bác sỹ có thể tiến hành phẫu thuật để sửa chữa các đường gân này.
  • Thay thế toàn bộ khớp: Phẫu thuật này sẽ giúp người bệnh loại bỏ những bộ phận đã hư hỏng của khớp và thay thế bằng bộ phận giả được làm từ nhựa hoặc kim loại.

Biện pháp điều trị hỗ trợ

Một số phương pháp hỗ trợ bạn cần lưu ý:

  • Hướng dẫn vận động, luyện tập chống dính khớp, co rút gân, teo cơ. Khi bị viêm cấp tính, bạn cần để các khớp nghỉ ngơi ở tư thế cơ năng, không độn, kê tại khớp. Bệnh nhân nên tập luyện ngay sau khi các biểu hiện viêm giảm nhẹ, tập nhiều lần trong một ngày, tăng dần mức độ, tập cả bài tập vận động thụ động và chủ động theo chức năng của khớp.
  • Tắm suối khoáng, áp dụng phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
  • Dùng một số dụng cụ để hỗ trợ vận động.

Các phương pháp điều trị có thể kéo theo một số biến chứng, để điều trị và phòng ngừa các biến chứng này, bạn cần lưu ý:

  • Bổ sung vitamin D, canxi để ngăn ngừa tình trạng loãng xương. Nếu người bệnh có nguy cơ cao bị loãng xương, có thể dùng bisphosphonates.
  • Viêm loét dạ dày, tá tràng: Cần chủ động, chú ý để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời do hơn 80% trường hợp mắc bệnh này không có biểu hiện lâm sàng. Sử dụng cùng với các thuốc giảm tiết dịch dạ dày hoặc thuốc bảo vệ niêm mạc.
  • Nếu có hiện tượng thiếu máu, người bệnh cần bổ sung thêm vitamin B12, sắt và axit folic.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc, mong rằng có thể giúp bạn nâng cao kiến thức và có ích cho bạn trong việc nhận biết, điều trị bệnh lý này. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Cập nhật mới nhất vào ngày 4 Tháng Mười Hai, 2020 bởi admin

Gai gót chân
Gai gót chân là gì? Nguyên nhân gây bệnh có nguy hiểm không?

Gai gót chân là tình trạng bệnh hay gặp ở đối tượng là người cao tuổi, gây ra những sự Tìm hiểu thêm

Viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn tiêu chuẩn chẩn đoán và phác đồ điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh lý viêm nhiễm ở các khớp do vi khuẩn gây nên. Cụ thể Tìm hiểu thêm

Triệu chứng viêm khớp háng
Viêm khớp háng triệu chứng nhận biết và cách điều trị

Nếu bạn đang gặp tình trạng đau, sưng, nhức mỏi vùng bẹn, rất có thể bạn đã mắc phải căn Tìm hiểu thêm

xương đòn
Xương đòn là xương gì? Biến chứng của gãy xương đòn

Là một bộ phận trên cơ thể dễ nhìn thấy nhất trên cơ thể song rất ít người biết đến Tìm hiểu thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *